Sự nghiệp trượt băng Patrick_Chan

Sự nghiệp ban đầu

Patrick Chan bắt đầu tập trượt băng vào năm 1996.[1] Ban đầu anh theo học trượt băng để tập chơi khúc côn cầu, và bắt đầu chuyển sang trượt băng nghệ thuật không lâu sau đó.[23] Huấn luyện viên đầu tiên của anh, huyền thoại Osborne Colson của Canada, đã yêu cầu anh dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để tập luyện các kỹ thuật cơ bản bao gồm edge work, cross–cutting và balance drills.[6] Chan từng nói rằng: "Tôi luôn cho rằng việc tôi có thể vận dụng thành thạo các tư thế đầu gối và edge work trơn tru trong trình diễn trượt băng là nhờ công lao dạy dỗ của thầy Colson. Thầy là người luôn biết cách tách biệt các phạm trù huấn luyện và trau chuốt từng phần từ những kỹ thuật trượt băng cơ bản nhất."[6]

Năm 2001, ở tuổi lên 10, Chan đoạt huy chương đồng tại Giải trẻ Vô địch Trượt băng nghệ thuật Canada 2001 với cấp độ juvenile, cấp độ phân loại thấp nhất trong Hệ thống giải thi đấu trượt băng nghệ thuật Canada. Anh lần lượt đoạt các danh hiệu quốc gia cấp độ pre–novice vào năm 2003, danh hiệu novice vào năm 2004, và danh hiệu junior vào năm 2005.

Với danh hiệu junior tại Giải Vô địch quốc gia Canada 2005, Chan nhận được suất tham dự Giải Vô địch trẻ Trượt băng nghệ thuật thế giới năm 2005 (2005 World Junior Championships), và đoạt vị trí thứ 7 chung cuộc. Ở tuổi 14, anh là vận động viên nhỏ tuổi nhất tham gia cuộc thi.[24]

Vào mùa giải 2005 – 2006, Chan bắt đầu thi đấu tại hệ thống Giải Grand Prix Trẻ của ISUISU Junior Grand Prix (JGP). Anh đoạt huy chương vàng tại sự kiện JGP ở Montreal và xếp thứ tư tại sự kiện ở Slovakia. Kết quả này giúp anh góp mặt tại Chung kết Grand Prix TrẻJunior Grand Prix Final với vị trí thứ 5 chung cuộc. Chan bắt đầu thi đấu chuyện nghiệp ở cấp độ cao nhất (senior) tại Giải Vô địch quốc gia Canada 2006, anh xếp thứ 7 và được nhận suất tham dự Giải Vô địch Trẻ trượt băng nghệ thuật thế giới 2006, xếp hạng thứ 6 toàn đoàn.

Huấn luyện viên đầu tiên của Chan, Osborne Colson, đã huấn luyện Chan từ khi anh bắt đầu sự nghiệp cho đến khi ông Colson qua đời vào tháng 7 năm 2006, do những biến chứng phát sinh từ một tai nạn xe hơi trước đó. Chan đã giành chức vô địch Giải trẻ Vô địch quốc gia Canada năm 2005 dưới sự hướng dẫn của thầy Colson, và Colson đã lên kế hoạch lâu dài cho việc huấn luyện Chan đạt đến đỉnh cao của môn thể thao này. Anh rất thương thầy Colson và luôn xem thầy như một người ông, gia đình Chan cũng đã ở bên giường bệnh của Colson đến những phút cuối đời. Chan đã được tặng một huy chương vàng của Colson có khắc tên viết tắt của ông.[7] Sau khi ông qua đời, Chan tiếp tục làm việc dưới sự huấn luyện của chuyên gia kỹ thuật Shin Amano, người đồng nghiệp của Colson trong cùng trung tâm huấn luyện. Tuy nhiên anh chỉ làm việc với huấn luyện viên tạm quyền này trong 6 tháng.

Mùa giải 2006–2007: Huy chương bạc đơn nam tại Giải Vô địch thế giới cấp độ trẻ

Chan (phải) tại sự kiện Grand Prix 2007 Skate America

Lên 16 tuổi, Chan quyết định chuyển lên thi đấu quốc tế ở hạng cao nhất mặc dù chỉ mới đoạt được một huy chương quốc tế ở cấp độ junior. Anh được cử đến tham gia 2 giải Grand Prix, và chính thức thi đấu quốc tế hạng cao tại giải Grand Prix 2006 Trophée Éric Bompard, với kết quả xếp thứ 5. Tại sự kiện tiếp theo là Grand Prix 2006 NHK Trophy, anh xếp thứ 7 chung cuộc.

Chan tiếp tục thi đấu tại Giải Vô địch quốc gia Canada 2007 tại Halifax và giành vị trí thứ 5. Kết quả này giúp anh có lần thứ 3 tham dự Giải Vô địch trẻ Trượt băng nghệ thuật thế giới 2007 và dành được huy chương bạc, trở thành vận động viên đoạt huy chương đơn nam đầu tiên của Canada tại giải này kể từ năm 1984[25][26].

Sau đó anh bắt đầu làm việc với huấn luyện viên Don Laws, một học trò cũ của huấn luyện viên Colson mà anh đã gặp tại đám tang của ông, vào năm 2007.[27]

Mùa giải 2007–2008: Chức vô địch quốc gia lần đầu tiên ở tuổi 17, huy chương vàng Grand Prix đầu tiên trong sự nghiệp

Chan và huấn luyện viên Don Laws tại Chung kết Grand Prix 2007–08

Chan bắt đầu tập luyện tại 2 trung tâm huấn luyện, World Arena Ice HallColorado Springs, Colorado, và The Granite Club tại Toronto.[23]Anh khởi đầu chuỗi giải Grand Prix với sự kiện 2007 Skate America, nơi anh đoạt huy chương đồng. Anh đoạt huy chương vàng tiếp theo đó tại sự kiện 2007 Trophée Éric Bompard, và kết thúc chuỗi giải với vị trí thứ 5 tại Chung kết Grand Prix 2007–08. Tại Giải Vô địch quốc gia Canada 2008, Chan đoạt chức vô địch quốc gia ở tuổi 17. Anh là một trong những nhà vô địch quốc gia trẻ nhất trong lịch sử của Canada — cùng với người giữ kỷ lục quốc gia về độ tuổi đăng quang là Charles Snelling, nhà vô địch năm 1954 ở tuổi 16.[28][29]

Chan tiếp tục thi đấu tại Giải Vô địch Trượt băng nghệ thuật thế giới 2008 vào tháng 3. Anh xếp thứ 7 sau bài thi ngắn và xếp thứ 11 sau bài thi tự do, thứ hạng chung cuộc là 9.[30] Canada trước đó đã có 2 suất tham dự Giải Vô địch Thế giới 2008. Nhờ thứ hạng của Chan, kết hợp với kết quả của Jeffrey Buttle, vận động viên đã vô địch giải đấu năm đó, Canada đã có 3 suất thi đấu đơn nam tại Giải Vô địch Trượt băng Thế giới 2009.

Vào tháng 5 năm 2008, Chan tham gia biểu diễn trong chương trình nghệ thuật Festa on Ice tại Hàn Quốc, theo lời mời của chủ trì là vận động viên trượt băng nghệ thuật đơn nữ Kim Yuna.[31]

Mùa giải 2008–2009: Nhà vô địch Tứ châu lục 2009, Á quân thế giới 2009

Chan và bài trình diễn gala tại Giải vô địch thế giới 2009

Chan đoạt 2 huy chương vàng ở cả hai giải Grand Prix anh tham gia là sự kiện 2008 Skate Canada International2008 Trophée Éric Bompard,[32] qua đó giành quyền tham dự Chung kết Grand Prix 2008–09 với vị trí cao nhất sau vòng loại. Anh xếp thứ 5 sau đêm chung kết xếp hạng.

Sau đó anh tham dự Giải Vô địch quốc gia Canada 2009 với tư cách đương kim vô địch. Anh xếp thứ nhất sau bài thi ngắn và bước vào bài thi tự do với khoảng cách dẫn 17.00 điểm so với vận động viên xếp thứ hai. Trong khi thực hiện bài thi tự do, anh đã mắc lỗi ở cú nhảy 3F, cú nhảy đáng lẽ phải được kết hợp với 3T theo kế hoạch biên đạo, nhưng đã tiếp đất thành công hai cú nhảy 3A (Triple–axel) lần đầu tiên trong sự nghiệp. Anh tiếp tục dẫn đầu bài thi tự do với cách biệt 30,96 điểm và giành huy chương vàng với khoảng cách tổng điểm là 48,52 điểm so với vận động viên đoạt huy chương bạc là Vaughn Chipeur.

Tại Giải Vô địch Tứ châu lục 2009, Chan xếp thứ nhất sau bài thi ngắn, anh đã nhận được đánh giá cấp độ 4 cho tất cả các động tác xoay và straight–line footwork. Tổng điểm đạt được của Chan cao hơn 7.25 điểm so với vận động viên xếp thứ hai là Evan Lysacek. Anh tiếp tục đứng nhất sau bài thi tự do, thực hiện thành công một tổ hợp nhảy xoay vòng trên không 3F–3T, một tổ hợp 3Lz–2T–2Lo và tiếp tục nhận được đánh giá cấp độ 4 cho tất cả các động tác xoay và straight–line footwork. Anh đã vượt qua Evan Lysacek của Mỹ với khoảng cách 12.04 điểm để dành chức vô địch giải Tứ châu lục đầu tiên trong sự nghiệp.

Tại Giải Vô địch Trượt băng nghệ thuật Thế giới năm 2009, Chan xếp thứ 3 sau bài thi ngắn, đứng sau Brian JoubertEvan Lysacek, và xếp thứ 2 sau bài thi tự do, qua đó đoạt huy chương bạc sau nhà vô địch năm 2009 là Lysacek. Đó là vào năm anh 18 tuổi. Sau đó, Chan cũng tham gia thi đấu cho đoàn Canada tại Giải Vô địch Trượt băng nghệ thuật đồng đội Thế giới 2009 (2009 World Team Trophy). Anh xếp thứ 4 ở nội dung đơn nam và giúp Canada giành huy chương bạc toàn đoàn, với huy chương vàng thuộc về đoàn Hoa Kỳ và huy chương đồng cho đoàn Nhật Bản.

Sau mùa giải, Chan một lần nữa tham gia trình diễn tại Festa on Ice 2009 cùng với Kim Yuna.

Mùa giải 2009–2010: Các chấn thương nghiêm trọng và Kỳ Olympic đầu tiên trong sự nghiệp

Chan tại Giải vô địch thế giới 2010

Vào tháng 7 năm 2009, Chan thực hiện thành công cú nhảy quad toe loop trong lúc khởi động tại giải Liberty Summer Competition 2009,[33][34] nhưng anh đã không thực hiện động tác này trong bài thi.

Chan được cử tham gia 2 sự kiện Grand Prix là 2009 Rostelecom Cup2009 Skate Canada International cho mùa giải 2009–10 ISU Grand Prix.

Cùng năm đó anh không may bị nhiễm Virus cúm A H1N1 trong khi tham gia trại huấn luyện cường độ cao tại Vancouver. Việc phải dùng thuốc kháng sinh để điều trị sau đó đã gây tác dụng phụ với cơ thể, làm yếu cơ bắp và khiến Chan bị đau khi thực hiện các động tác nhảy.[35] Sau đó anh bị rách cơ sinh đôi cẳng chân trái (gastrocnemius).[36] Đây là chấn thương đầu tiên và nghiêm trọng nhất trong sự nghiệp của Chan.[35] Anh đã dành thời gian để chữa trị chấn thương, để điều trị cho Chan, các bác sĩ đã phải rút máu của anh ra khỏi cơ thể, sau đó ly tâm và cô đặc trước khi truyền lại vào vùng cơ bắp bị tổn thương.[37] Chan rút lui tại giải Grand Prix 2009 Rostelecom Cup trước thềm cuộc thi. Sau đó, anh xếp thứ 6 chung cuộc tại sự kiện 2009 Skate Canada International.Vào ngày 8/1/2010, anh thông báo đổi huấn luyện viên sang Lori Nichol, biên đạo múa lâu năm của anh, và Christy Krall, một chuyên gia kỹ thuật tại Colorado.[38][39] Tại Giải Vô địch quốc gia Canada 2010, anh xếp thứ nhất sau bài thi ngắn, với khoảng cách 11.27 điểm trước Vaughn Chipeur, sau khi mắc lỗi với cú nhảy 3F và nhận được đánh giá cấp độ 4 cho tất cả các động tác xoay và hai chuỗi động tác biên đạo chuyển hướng (step sequences).[40] Anh tiếp tục chiến thắng ở bài thi tự do và giành chức vô địch quốc gia tiếp theo với khoảng cách 45.92 điểm. Anh đã lập được kỉ lục tổng điểm cao nhất tại Giải Vô địch quốc gia Canada.[41] Thành tích này giúp anh giành được suất trong đội tuyển Olympic, cùng với Chipeur.

Sau đó, Chan tham gia Thế vận hội Mùa đông 2010 được tổ chức tại quê nhà của anh, Canada. Chan đứng thứ 7 trong bài thi ngắn và sau đó đạt được tổng điểm cá nhân tốt nhất cho bài thi tự do (Personal Best Score), xếp thứ 4 sau bài thi tự do và xếp thứ 5 chung cuộc.[42][43] Sau mùa thi anh đã phát biểu rằng sự ủng hộ của khán giả tại sự kiện đã khiến anh nhận ra rằng anh rất tự hào khi mình là người Canada.[44]

Sau Olympic Vancouver 2010, Chan lại tham gia Giải Vô địch Trượt băng nghệ thuật thế giới 2010. Anh xếp thứ 2 sau bài thi ngắn, chỉ thấp hơn 1.50 điểm so với vận động viên dẫn đầu là Daisuke Takahashi. Anh tiếp tục xếp thứ 2 sau bài thi tự do, với khoảng cách 8.98 điểm sau Takahashi, qua đó giành huy chương bạc thứ hai trong sự nghiệp thi đấu tại giải vô địch thế giới. Sau đó anh có chia sẻ mình đã nhận được khoảng tiền thưởng 27,000 USD.[45]

Sau mùa giải, anh giới thiệu bài trình diễn mới của mình trên nền nhạc "Don't Worry, Be Happy" của Bobby McFerrin, tại một buổi trình diễn ở Woodstock Skating Club vào tháng 4 năm 2010.[46] Anh tiếp tục tham gia show diễn Festa on Ice trong năm thứ 3 liên tiếp và tham gia trình diễn tại All That Skate LA, một chuỗi chương trình khác cũng được chủ trì bởi Kim Yuna.

Mùa giải 2010–2011: Nhà vô địch Thế giới và Chung kết Grand Prix, thiết lập 3 kỷ lục thế giới mới trong cùng mùa giải

Chan bắt đầu mùa giải với việc tham gia sự kiện Liberty Summer Competition 2010, nơi lần đầu tiên anh biểu diễn bài thi ngắn mới với nhạc nền Take Five, một bản nhạc biên trên nền jazz. Anh xếp thứ nhất sau bài thi ngắn,lần đầu tiên thực hiện thành công cú nhảy 4T trong một cuộc thi và được chấm điểm thực hiện (grade of execution – GOE) rất cao cho cú nhảy này.[47] Trong bài thi tự do, anh mắc lỗi khi nhảy 4T, nhưng tiếp đất thành công tổ hợp 3A–3T lần đầu tiên trong sự nghiệp thi đấu, và giành huy chương vàng.

Chan được sắp xếp tham gia 2 giải Grand Prix là 2010 Skate Canada International2010 Cup of Russia trong mùa giải 2010–11 ISU Grand Prix. Tại Skate Canada, Chan va chạm với Adam Rippon trong buổi tập trên sân băng vào sáng trước ngày diễn ra buổi thi đấu.[48] Anh xếp thứ tư trong bài thi ngắn sau khi bị ngã khi thực hiện các cú nhảy 4T, 3A và step sequence. Sau đó anh giành lại vị trí thứ nhất với bài thi tự do sau khi tiếp đất thành công cú nhảy 4T và 5 tổ hợp nhảy triple khác, qua đó dành huy chương vàng chung cuộc. Đó là lần đầu tiên trong sự nghiệp Chan thực hiện thành công một cú nhảy xoay 4 vòng trên không trong một cuộc thi của Liên đoàn trượt băng quốc tế (ISU).[49] Mặc dù anh vẫn bị trượt ngã trong cú nhảy 3A với tổng cộng 4 cú ngã trong 2 bài thi, tổng điểm của anh vẫn đủ cao để đoạt huy chương vàng.[50] Phong độ thi đấu của Chan tiếp tục không ổn định tại sự kiện 2010 Cup of Russia, với tổng cộng 4 cú ngã trong 2 bài thi tiếp đó. Anh xếp thứ nhất sau bài thi ngắn, với việc tiếp đất thành công tổ hợp 4T–3T và thất bại ở cú nhảy 3A.[51] Trong bài thi tự do, anh lại bị ngã khi thực hiện một cú quad và hai cú triples.[52] Chan xếp thứ hai sau cuộc thi, với khoảng cách 3.1 điểm sau Tomáš Verner. Kết quả tổng cộng ở hai sự kiện giúp anh vào được Chung kết Grand Prix trong cùng mùa giải. Phát biểu về bài thi của mình, Chan cho biết: "Tôi rất buồn về điều này. Trước sự kiện ở Nga, tôi đã có 4 lần duyệt bài trơn tru. Tôi chỉ không thể hiểu được vì sao mình không thể làm điều đó trong lúc thi đấu."[45] Chan đã tìm đến nhà vô địch Olympic Brian Boitano để xin lời khuyên và góp ý từ ông, anh nói thêm: "Tôi phải tìm một cách khác để cải thiện kỹ thuật của mình, để buộc tâm trí của tôi phải thực hiện bài thi một cách đúng đắn, ngay cả khi tôi cảm thấy không khỏe.... Tôi không tin mình đã gặp vấn đề co rút cơ hay đại loại vậy. Và không ai ở trong hoàn cảnh của chúng tôi để hiểu được áp lực thi đấu trên sân băng hay đứng trước hàng ngàn người."[45]

Tại Chung kết Grand Prix 2010–11, anh xếp thứ hai sau bài thi ngắn, kém chỉ 1.00 điểm so với Nobunari Oda của Nhật Bản. Anh đã tiếp đất thành công một cú nhảy 4T, một 3A và một tổ hợp 3F–3T. Anh giành vị trí thứ nhất ở bài thi tự do và qua đó, giành chiến thắng chung cuộc ở Chung kết Grand Prix cùng năm. Tiếp đó, anh đã giành chức vô địch quốc gia lần thứ tư liên tiếp tại Giải Vô địch quốc gia Canada 2011. Trong bài thi ngắn, anh thực hiện thành công một cú nhảy 4T và một tổ hợp 3F–3T, mặc dù chỉ nhảy được cú 2A thay vì 3A như dự kiến. Anh tiếp tục về nhất ở bài thi tự do với việc thực hiện thành công các cú nhảy 4T, 4T–3T và 6 cú nhảy triple tiếp đó. Đây là lần đầu tiên anh tiếp đất thành công hai cú nhảy 4T trong bài thi.[53] Kết quả chung cuộc, Chan giành chức vô địch quốc gia với 285.85 điểm. Điểm bài thi tự do và tổng điểm hai bài thi của Chan năm đó là mốc kỷ lục mới tại Giải Vô địch quốc gia Canada.[54]

Tại Giải Vô địch Trượt băng nghệ thuật thế giới 2011 tổ chức tại Moscow sau một tháng bị hoãn, Chan dẫn đầu bài thi ngắn với 93.02 điểm, một kỷ lục thế giới mới.[55][56] Trong bài thi tự do, anh mang về cho mình 187.96 điểm, qua đó thiết lập thêm kỷ lục thế giới thứ hai, mang về tổng điểm 280.98 sau hai ngày thi đấu.[57][58] Vào tháng 9, anh nhận được 3 chứng nhận Kỷ lục Guinness Thế Giới cho việc lập 3 kỷ lục thế giới với bài thi ngắn, bài thi tự do và tổng điểm bài thi ở Giải Vô địch Thế giới.[3][59]

Trong suốt mùa giải, anh đã tham khảo nhiều ý kiến từ Brian Boitano.[49] Kết thúc mùa giải, anh tham gia các show diễn trượt băng tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Đài LoanHàn Quốc.[59] Anh tiếp tục tập luyện với cú nhảy quad salchow, mặc dù cú triple salchow trước đó cũng không phải thế mạnh của anh.[59]

Mùa giải 2011–2012: Cú ăn 3 lịch sử cùng cột mốc Grand Slam và Career Grand Slam

Để chuẩn bị cho mùa giải 2011–2012, Chan đã làm việc với tiến sĩ Peter Davis, cựu giám đốc khoa học thể thao của Ủy ban Olympic Hoa Kỳ; biên đạo múa Lori Nichol; Kathy Johnson, huấn luyện viên phụ trách huấn luyện độ dẻo và thăng bằng; Andy O'Brien, huấn luyện viên phụ trách sức bền – thể chất – dinh dưỡng; bác sĩ vật lý trị liệu Mark Lindsay; và huấn luyện viên Eddie Shipstead, chuyên gia kỹ thuật cho các cú nhảy quads, với phương pháp huấn luyện sử dụng thiết bị hỗ trợ giúp ngăn ngừa chấn thương.[12][60][61][62]Chan được cử đến tham gia 2 giải Grand Prix là 2011 Skate Canada International2011 Trophée Eric Bompard trong mùa giải Grand Prix cùng năm. Tại Skate Canada, Chan xếp thứ ba sau bài thi ngắn và xếp thứ nhất sau bài thi tự do, qua đó giành huy chương vàng. Anh tiếp tục đoạt chức vô địch giải Grand Prix 2011 Trophée Eric Bompard và tiến thẳng vào Chung kết Grand Prix 2011–12.

Ngay trước sự kiện Chung Kết Grand Prix, một cuộc phỏng vấn liên quan đến Chan đã gây tranh cãi; Chan và các quan chức từ Liên đoàn Trượt Băng Canada – Skate Canada điều cho rằng các phát ngôn của anh đã bị hiểu lầm.[63][64] Năm 2011, các chi phí đầu tư cho anh được báo cáo vào khoảng CAN$ 150,000.[62] Anh duy trì sự nghiệp trượt băng bằng việc tham gia biểu diễn trong các chương trình và tổ chức gây quỹ.[12][65] Chan nói rằng cha mẹ anh đã hy sinh nhiều để anh có thể theo đuổi trượt băng nghệ thuật và anh cảm thấy mình có phần được kết nối với gốc gác Trung Hoa nhờ vào sự hỗ trợ mà anh nhận được từ cộng đồng người Canada gốc Hoa.[11][66]

Vào tháng 12 năm 2011, Chan thi đấu tại Chung kết Grand Prix 2011–12. Anh đứng nhất trong cả bài thi ngắn và bài thi tự do, qua đó giành huy chương vàng chung cuộc với khoảng cách 11.18 điểm trước Daisuke Takahashi.Anh tiếp tục thi đấu tại Giải Vô địch quốc gia Canada 2012 vào tháng 1 năm 2012. Với bài thi ngắn, anh đã thực hiện thành công tổ hợp 4T–3T, một cú nhảy 3A và một cú 3Lz, nhận được đánh giá cấp độ 4 cho tất cả các động tác xoay và footwork. Anh còn đạt được điểm 10.00 cho cột điểm thành phần bài thi (program component scores – PCS).[67] Anh tiếp tục dẫn đầu bài thi tự do với việc nhận được 10.00 cho một vài phân đoạn điểm thành phần.[68] Chan đã giành được danh hiệu quốc gia thứ 5 trong sự nghiệp với 302.14 điểm, tạo khoảng cách 62.70 điểm so với vận động viên đoạt huy chương bạc là Kevin Reynolds, qua đó phá kỷ lục tổng điểm của chính mình tại giải vô địch quốc gia Canada.[69]

Vào tháng 2 năm 2012, Chan thi đấu tại Giải Vô địch Tứ châu lục 2012. Anh đứng nhất sau bài thi ngắn với khoảng cách 4.51 điểm xếp trước Takahito Mura, và tiếp tục giữ vững vị trí sau bài thi tự do, dẫn trước Daisuke Takahashi 24.25 điểm và tiếp tục nhận được mức điểm 10.00 cho PCS.[70] Anh đoạt chức vô địch Tứ châu lục 2012 với tổng điểm 273.94.

Cuối tháng 3 năm 2012, Cham tham gia Giải Vô địch Trượt băng nghệ thuật Thế giới 2012 tại Nice, Pháp, và bảo vệ thành công danh hiệu vô địch thế giới với chức vô địch lần thứ hai liên tiếp.[71] Anh đứng nhất ở cả hai bài thi và kết thúc cuộc thi với tổng điểm 266.11, cao hơn 6.45 so với á quân là Daisuke Takahashi. Kết quả này đã từng gây chấn động và tranh cãi với công chúng.[72]

Với việc đoạt cùng lúc 3 danh hiệu quan trọng trong mùa giải 2011–2012 tại Giải Vô địch Thế giới, Chung kết Grand Prix, và Giải Vô địch Tứ châu lục trong năm 2012, Patrick Chan chính thức có cho mình cột mốc Grand SlamCareer Grand Slam trong sự nghiệp trượt băng nghệ thuật. Cùng với Alexei Yagudin, Evgeni PlushenkoBrian Joubert, anh là 1 trong 4 vận động viên trượt băng đơn nam trên thế giới đã từng đạt được Grand Slam và hiện tại vẫn là vận động viên đơn nam duy nhất trong lịch sử bộ môn của Canada và của Bắc Mỹ đạt được cột mốc này.

Vào ngày 16/4/2012, truyền thông thế giới đưa tin Chan đã chấp nhận đơn xin từ chức của Krall trong đội ngũ huấn luyện của anh.[73][74] Anh đã gửi lời cảm ơn Krall vì đã giúp anh cải thiện các cú nhảy quad trong quá trình luyện tập.[75]

Mùa giải 2012–2013: Lên ngôi Vô địch thế giới lần thứ 3 liên tiếp cùng đội ngũ huấn luyện mới

Chan tại sự kiện Grand Prix 2012 Rostelecom Cup

Trong suốt mùa giải, Chan được huấn luyện bởi Kathy JohnsonEddie Shipstead. Anh đã chia tay biên đạo múa kỳ cựu Lori Nichol và làm việc với Jeff Buttle và David Wilson để hoàn thành các bài thi mới cho mùa giải.[76]

Khởi đầu mùa giải, Chan đứng thứ 6 tại sự kiện Japan Open. Tại giải Grand Prix 2012 Skate Canada International, anh thi đấu với tư cách đương kim vô địch và đoạt huy chương bạc chung cuộc, xếp sau Javier Fernández của Tây Ban Nha. Tại giải Grand Prix 2012 Cup of Russia, anh đoạt huy chương vàng với vị trí nhất bảng ở cả bài thi ngắn và bài thi tự do, qua đó dành quyền tham dự Chung Kết Grand Prix 2012–13 và dành huy chương đồng. Trong chuyến lưu diễn vào tháng 12 cùng năm, anh đã tham khảo ý kiến của các nhà vô địch Canada trước đây về việc chuẩn bị tâm lý trước khi thi đấu.[77]

Vào tháng 1 năm 2013, tại Giải Vô địch quốc gia Canada 2013, Chan đứng nhất toàn bảng ở cả bài thi ngắn và bài thi tự do, kết thúc giải đấu với danh hiệu vô địch quốc gia lần thứ 6 liên tiếp. Tại Giải Vô địch Trượt băng nghệ thuật Thế giới 2013, tổ chức tại London, Ontario, Canada, Chan dẫn đầu sau bài thi ngắn với việc tiếp đất thành công tổ hợp 4T–3T, 3A, và 3Lz, cùng với đánh giá cấp độ 4 cho các động tác xoay và footwork, với khoảng cách 6.81 điểm so với Denis Ten của Kazakhstan. Anh đã lập được kỷ lục thế giới mới cho bởi Hệ thống chấm điểm ISU.[78] Trong bài thi tự do, anh mắc phải một số lỗi khi thực hiện các cú nhảy và xếp thứ hai trong bảng điểm bài thi tự do nhưng vẫn giành được đủ điểm để giữ vị trí dẫn đầu. Anh về nhất với 267,78 điểm chung cuộc, dẫn trước Ten 1.3 điểm và giành huy chương vàng, qua đó giành được danh hiệu vô địch thế giới lần thứ ba liên tiếp. Kết quả này đã được tranh luận bởi nhiều chuyên gia trượt băng về việc Chan hay Ten xứng đáng chiến thắng hơn.[79][80]

Trong mùa hè năm 2013, Chan chuyển địa điểm tập luyện từ Colorado về Detroit để tiếp tục làm việc với Kathy Johnson.[81]

Mùa giải 2013–2014: Á quân chung kết Grand Prix, cú đúp huy chương bạc đơn nam và đồng đội tại Olympic Soichi 2014

Chan tại sự kiện Grand Prix 2013 Trophée Éric Bompard

Trong mùa giải 2013–14 ISU Grand Prix, Chan thắng lớn ở cả hai giải Grand Prix 2013 Skate Canada International2013 Trophée Éric Bompard với kỷ lục thế giới mới ở cả bài thi ngắn và bài thi tự do. Anh tiếp tục giành huy chương bạc tại Chung kết Grand Prix 2013–14, xếp sau Yuzuru Hanyu của Nhật Bản.

Tại Thế vận hội Mùa đông 2014, Chan mở màn với phần thi ở nội dung đồng đội. Anh hoàn thành phần thi đơn nam trong nội dung đồng đội và xếp vị trí thứ 3, qua đó đóng góp cho tấm huy chương bạc đồng đội của Canada trong kỳ thế vận hội này.[82]

Trong các phần thi ở nội dung cá nhân, Chan xếp thứ hai sau bài thi ngắn, với khoảng cách 3.93 điểm thấp hơn so với kỷ lục thế giới mới thiết lập của Hanyu và cao hơn 10 điểm so với các vận động viên còn lại. Các yếu tố trong bài thi của Hanyu về mặt lý thuyết giống Chan, nhưng chất lượng và cường độ thực hiện có phần nhỉnh hơn trong cú nhảy triple axel (3A).[83] Hanyu trượt ngã 2 lần trong bài thi tự do và bị trừ điểm trong cú nhảy triple do lỗi tiếp đất hai chân, trong khi Chan cũng mắc vài lỗi bật nhảy cùng với việc không thành công ở cú nhảy double axel. Kết quả chung cuộc, Hanyu xếp cao hơn Chan trong bài thi tự do với khoảng cách 0.54 điểm và giành huy chương vàng, trong khi Chan giành được huy chương bạc thứ hai tại kỳ Olympic thứ hai mà anh tham gia trong sự nghiệp.[84][85]

Mùa giải 2014–2015: Tạm ngưng thi đấu

Tháng 9 năm 2014, Liên đoàn trượt băng Canada – Skate Canada ra thông báo chính thức rằng Chan sẽ nghỉ thi đấu gần hết mùa giải 2014–2015 và sẽ trở lại vào mùa giải 2015–2016. Anh chỉ nhận lời mời tham gia sự kiện Japan Open vào tháng 10 năm 2014; và giành giải nhất chung cuộc với bài thi tự do mới.[86][87][88][89]

Mùa giải 2015–2016: Trở lại với Chức vô địch Tứ châu lục 2016 và duy trì thành tích bất bại tại Giải Vô địch quốc gia

Patrick Chan tại Chung kết Grand Prix 2015–16

Suốt mùa xuân năm 2015, Chan xác nhận với truyền thông anh sẽ trở lại thi đấu vào mùa giải 2015–2016.[90][91] Anh được cử đến hai giải Grand Prix 2015 Skate Canada International2015 Trophée Éric Bompard.[92] Tại Skate Canda, anh thắng nhà vô địch Olympic Yuzuru Hanyu và có cho mình danh hiệu Skate Canada thứ 5 trong sự nghiệp, qua đó cân bằng kỷ lục chiến thắng tại Skate Canada gần nhất. Anh xếp thứ tư tại Chung kết Grand Prix cùng mùa, đứng thứ 3 sau bài thi tự do với việc tiếp đất thành công một cú nhảy quads.

Anh tiếp tục bảo vệ thành công danh hiệu quốc gia tại Giải Vô địch quốc gia Canada 2016.[93]Sau đó, anh lên ngôi vô địch lần thứ 3 tại Giải Vô địch Tứ châu lục 2016 tại Đài Bắc, Đài Loan, đánh bại Jin Boyang của Trung Quốc và đạt cột mốc mới cho thành tích cá nhân tốt nhất trong bài thi tự do.[94] Anh xếp thứ 5 chung cuộc tại Giải Vô địch Trượt băng nghệ thuật thế giới 2016 sau khi đứng thứ 3 ở bài thi ngắn và thứ 5 ở bài thi tự do.

Mùa giải 2016–2017: San bằng Kỷ lục số danh hiệu Grand Prix Skate Canda

Chan và HLV Johnson quyết định chuyển đến tập luyện tại Vancouver vào tháng 7 năm 2016.[95][96] Sau đó huấn luyện viên của anh từ chức vào tháng 8 năm 2016,[97] và quyết định chuyển đến Vancouver bị hoãn lại.[98] Vào ngày 23/9/2016, Chan thông báo đội ngũ huấn luyện mới với huấn luyện viên trưởng Marina Zueva và địa điểm tập luyện tại trung tâm huấn luyện ở Canton, Michigan.[99] Anh đã ở lại Canton suốt mùa thi để luyện tập.

Điểm nhấn lớn nhất trong mùa giải của anh là chức vô địch Grand Prix Skate Canada lần thứ 6 và thiết lập một kỷ lục chiến thắng mới, phá vỡ kỷ lục số lần chiến thắng mà anh đã cân bằng với Elvis Stojko, huyền thoại trượt băng nghệ thuật Canada và là người đã thắng 5 danh hiệu Skate Canada trong suốt sự nghiệp của ông. Trong hai năm liên tiếp, Chan đã vượt qua Yuzuru Hanyu để dành chiến thắng tại đấu trường Skate Canada. Tại giải Grand Prix tiếp theo là Cup of China, anh đã đánh bại vận động viên đang giữ huy chương đồng thế giới là Jin Boyang để dành tiếp huy chương vàng. Anh xếp thứ hai sau bài thi ngắn tại Chung kết Grand Prix cùng mùa và xếp thứ 5 chung cuộc.

Tiếp tục mùa giải, Chan tiếp tục dễ dàng bảo vệ danh hiệu vô địch quốc gia lần thứ 9, một thành tích cân bằng với kỷ lục về số lần vô địch quốc gia đang được giữ tại Giải Vô địch quốc gia Canada.[100]Tại Giải Vô địch Trượt băng nghệ thuật Thế giới 2017, anh đạt cột mốc điểm bài thi cá nhân tốt nhất cho bài thi ngắn với 102.13 điểm, với tiềm năng dành huy chương được đánh giá cao, nhưng lại xếp thứ 5 chung cuộc sau bài thi tự do. Trong mùa giải, anh đã cố gắng thực hiện các cú nhảy Quad Salchow trong bài thi để đáp ứng với độ khó ngày càng tăng đến từ hệ thống chấm điểm và tăng khả năng cạnh tranh với các đối thủ cạnh tranh hàng đầu.

Mùa giải 2017–2018: Huy chương vàng Olympic đầu tiên trong sự nghiệp, Danh hiệu Quốc gia thứ 10, và tuyên bố giải nghệ ở tuổi 27

Chan thi đấu với bài thi ngắn tại Thế vận hội Mùa đông 2018

Trong mùa giải thi đấu cuối cùng, Chan đứng thứ tư ở giải Grand Prix 2017 Skate Canada International và rút lui khỏi sự kiện Grand Prix 2017 NHK Trophy. Theo thông báo từ Skate Canada, anh đã đến Vancouver để nghỉ ngơi sau các khủng hoảng tâm lý khi thi đấu, và bắt đầu tập luyện với huấn luyện viên Ravi Walia.[101] Vào tháng 1, anh mang về cho mình danh hiệu quốc gia thứ 10 tại Giải Vô địch Quốc gia Canada 2018, qua đó thiết lập kỷ lục mới về số danh hiệu đơn nam trên đấu trường Giải Vô địch Quốc gia Canada.

Vào tháng 2 năm 2018, Chan đại diện Canada tham gia Thế vận hội Mùa đông 2018 tại Pyeongchang, Hàn Quốc.[102] Đây là kỳ Olympic thứ ba trong sự nghiệp của anh. Tại đây, anh đã giành được huy chương vàng Olympic lần đầu tiên và cũng là huy chương Olympic thứ ba trong sự nghiệp thi đấu với hai bài thi ở nội dung đồng đội và chiến thắng trước Đoàn vận động viên Ủy ban Olympic Nga – ROC. Với chiếc huy chương vàng Olympic này, Chan đã hoàn thành cột mốc Career Golden Slam vào mùa giải cuối cùng trước khi tuyên bố giải nghệ. Ở phần thi đồng đội, anh đã tham gia ở cả bài thi ngắn và bài thi tự do, xếp thứ 3 sau bài thi ngắn và thứ nhất sau bài thi tự do. Kết quả này giúp Canada ghi được 18 điểm, nhiều hơn 6 điểm so với vận động viên Mikhail Kolyada của Nga. Ở nội dung thi đấu đơn nam, Chan xếp thứ 9 chung cuộc sau khi đứng thứ 6 ở bài thi ngắn và thứ 8 ở bài thi tự do. Anh thực hiện một cú nhảy triple thay vì quads, mắc lỗi xoay thiếu vòng ở một cú nhảy triple khác và lỗi chống tay khi tiếp đất cú triple axel.[103] Kết thúc Thế vận hội Pyeong Chang 2018, anh cho biết kỳ Olympic Mùa đông 2018 là cuộc thi cuối cùng anh tham gia với tư cách vận động viên chuyên nghiệp.[104] Vào ngày 16 tháng 4 năm 2018, Patrick Chan chính thức tuyên bố giải nghệ, giã từ sự nghiệp thi đấu ở tuổi 27 sau 12 mùa giải, khép lại hành trình với nhiều dấu ấn của một trong những vận động viên trượt băng nghệ thuật đơn nam thành công nhất trong lịch sử Canada.[2][105]

Sự nghiệp sau giải nghệ: Đại sứ thiện chí tại Thế vận hội Giới trẻ 2020

Sau khi giải nghệ vào năm 2018, Chan vẫn tiếp tục tham gia các buổi trình diễn trượt băng tại Canada và các nước trên thế giới. Vào tháng 12 năm 2018, anh gặp chấn thương đứt dây chằng đầu gối sau một tai nạn trượt tuyết.[106]

Năm 2020, anh trở thành đại sứ thiện chí của Ủy Ban Olympic Quốc Tế, và được chọn là Vận Động Viên Hình Mẫu – Role Model Athlete đại diện cho bộ môn Trượt Băng Nghệ Thuật tại Thế vận hội Trẻ Mùa Đông 20202020 Winter Youth Olympics, tổ chức tại Lausanne, Thụy Sĩ.[107]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Patrick_Chan http://www.canadianathletesnow.ca/can-fund-news/th... http://slam.canoe.ca/Slam/FigureSkating/2011/12/20... http://www.cbc.ca/olympics/story/2010/01/08/spo-ch... http://www.cbc.ca/player/play/2302899174 http://www.cbc.ca/sports/blogs/pjkwong/2011/07/wit... http://www.cbc.ca/sports/figureskating/opinion/201... http://www.cbc.ca/sports/indepth/feature-patrickch... http://www.cbc.ca/sports/olympics/figureskating/pa... http://www.cbc.ca/sports/olympics/patrick-chan-spe... http://www.cbc.ca/sports/olympics/winter/figureska...